Đạo diễn Đinh Đức Liêm: Cao Minh Đạt là diễn viên nam số 1 phía Nam VĂN HÓA

Từng được mệnh danh là người “mát tay” với khả năng phát hiện và nâng đỡ những gương mặt diễn viên mới. Trong Ngày em đến, việc lựa chọn các diễn viên, anh dựa trên những yếu tố nào? Bản thân anh có bị chi phối bởi NSX?

Đạo diễn Đinh Đức Liêm Thực ra, ngay từ khi mới bắt đầu vào nghề, tôi đã cực kỳ thích tìm ra những gương mặt mới để chứng minh khả năng của mình, không tạo cho người xem cảm giác phim đó thành công là nhờ ngôi sao này, tài năng nọ… Và khi đó, dù mình vất vả hơn trên hiện trường để xử lý, phân tích tâm lý, hướng dẫn hành động, nhưng cuối cùng làm nên được sự tươi mới, chân thực của những gương mặt mới, hóa thân vào vai diễn, chứ không diễn bằng kỹ thuật, bằng thói quen.

Từ cách làm đó, nhiều diễn viên trẻ đã bật lên thành ngôi sao hạng A ngay từ phim thứ nhất, thứ 2 sau khi làm phim của tôi. Nhưng đó là khi tôi làm phim cho TFS, ban Giám đốc Hãng, Đài gần như cho tôi toàn quyền quyết định lựa chọn diễn viên theo cảm nhận xử lý kịch bản của mình.

Đạo diễn Đinh Đức Liêm và Cao Minh Đạt

Còn từ khi việc xã hội hóa sản xuất phim thành công, tôi cũng ra khỏi HTV làm phim thị trường, thì các công ty tư nhân do chưa yên tâm với những gương mặt mới, sợ họ chưa có kinh nghiệm, ảnh hưởng đến chất lượng phim. Rồi còn để đảm bảo nhu cầu của PR quảng cáo, của rating, của nhà tài trợ nên các công ty tư nhân can thiệp rất nhiều vào việc sắp xếp diễn viên.

Cũng nhiều khi tôi không hoàn toàn vừa ý với sự can thiệp đó, cũng phải cân nhắc, tranh luận nhiều phương án, để cuối cũng có được những diễn viên gần hơn với hình dung của mình về nhân vật, chứ chưa được tuyệt đối hài lòng… Có điều với cách chọn như vậy thì công tác hiện trường cũng trở nên dễ dàng hơn với tôi rất nhiều. Vì đa số diễn viên được chọn đều có tên tuổi, có bản lĩnh nghề nghiệp nhất định, nên họ có thể cảm thụ được tâm lý, hành động nhân vật cơ bản ngay từ khi đọc kịch bản mà tôi đã sửa sang, chau chuốt, ghi chú cụ thể về tâm lý, hành động của nhân vật. Và khi thực hiện tôi chỉ cần bàn bạc với DOP, nói với phó đạo diễn truyền đạt lại đường đi nước bước cụ thể trong cảnh quay cho diễn viên nắm được là họ có thể thực hiện được dễ dàng, nhanh chóng, chứ không cần phải hướng dẫn tỉ mỉ như ngày xưa.

Có điều nhiều khi họ lặp lại cách diễn quen thuộc của mình ở những dạng vai đã làm trước đó, không dễ tạo ra sự tươi mới và cái nhìn khác cho khán giả về họ.

So với sự kỳ vọng ban đầu khi đọc kịch bản và khi phim đã lên sóng, anh hài lòng như thế nào về diễn xuất của các diễn viên trẻ trong phim?

Đạo diễn Đinh Đức Liêm : Bạch Công Khanh đã làm với tôi phim Trả giá từ 7 năm trước. Tôi cũng rất quý mến, hài lòng, dù vai diễn ấy chưa thực sự sâu sắc như mình mong muốn lắm, vì lúc đó Khanh chưa có kinh nghiệm diễn xuất nhiều. Đến phim này, do tôi có xem 1 số đoạn Khanh đóng vai bị tâm thần trước đó, nên tôi không muốn Khanh bị lặp vai. Do đó, tôi sửa kịch bản kỹ hơn, viết thoại khờ dễ thương cho nhân vật Tài. Và khi thực hiện, ban đầu Khanh diễn Tài như bị down, bữa đó quay tối, mệt quá nên tôi cho qua, nhưng về nhà quá khó chịu nên hôm sau tôi nhắc Khanh phải xác định tâm lý nhân vật lại, không được diễn kiểu đó, phải cho Tài thành thằng khờ dễ thương, như tôi đã chủ định sửa cho nhân vật như vậy. Và đoạn Tài diễn down khi được Trà cứu vớt, đưa về nhà gặp mẹ trong bữa ăn tối, tôi bắt phải quay lại cả tháng sau, khi trở lại bối cảnh cũ.

Hạ Anh trong phim Ngày em đến

Khi đó Khanh đã nhuần nhuyễn với chàng khờ nhẹ nhàng của mình rồi nên cảm giác ngọt ngào, có duyên hơn hẳn. Nhưng thực sự trong quá trình quay, tôi vẫn lo nhất cho vai của Khanh, nếu bị nhạt thì phim đổ ngay. May quá, với cảm nhận và biểu hiện tốt, rất chân thực, không màu mè, quá lố, cuối cùng vai diễn của Khanh gần như chinh phục được cảm tình của khán giả.

Lê Hạ Anh cũng đã từng đi casting phim tôi từ nhiều năm trước. Lúc đó tôi không hề ấn tượng, vì cô bé chưa dạn dĩ như bây giờ, khi tiếp xúc, chắc do chưa quen nên gương mặt không biểu hiện sinh động, ù lì, tẻ nhạt, nên tôi không chọn. Sau này cô bé đã đóng nhiều phim, tôi mới thấy được sự tự nhiên, biểu cảm hoạt bát, và chấp nhận đưa vào phim này. Hạ Anh đã diễn tốt hơn tôi tưởng tượng cho nhân vật Trà.

Dũng Bino, Lê Minh Thành cũng làm tôi hài lòng với sự thể hiện vai diễn của mình, dù các bạn nhận vai ác, bị khán giả ghét cay ghét đắng, chửi bới ầm ĩ trong các comment về phim trên mạng xã hội. Nhưng với vai trò là diễn viên đóng nhân vật phản diện, các bạn đã góp phần tạo nên màu sắc đối chọi, làm nhân vật chính diện của Tài - Trà được yêu thương hơn. Đóng vai ác mà bị chửi là thành công rồi.

Còn với những tên tuổi đã quá quen thuộc như Cao Minh Đạt hay Thân Thúy Hà, anh giải quyết bài toán “chết vai” trong các dự án họ từng tham gia ra sao?

Đạo diễn Đinh Đức Liêm Cao Minh Đạt tôi đánh giá là diễn viên nam số 1 phía Nam, anh đã thể hiện đủ các dạng vai với màu sắc khác nhau để thể hiện khả năng của mình. Thân Thúy Hà cũng rất sắc sảo, bản lĩnh với những vai ác gần như là chủ yếu trong danh mục vai diễn của mình. Tôi chỉ có thể làm khác cho họ với việc sửa cho họ những lời thoại thật đời, chỉ dẫn những hành động thật chính xác về tâm lý, hoàn cảnh ngay từ trong kịch bản để họ bộc lộ tận cùng bản chất nhân vật là họ đã dễ dàng thể hiện được như hình ảnh mà mọi người đã xem.

Lại nói đến thế mạnh hay cái duyên với những phim về thân phận người phụ nữ, với Ngày em đến khía cạnh này được anh khai thác như thế nào để làm bật lên chủ đề tư tưởng của bộ phim?

Đạo diễn Đinh Đức Liêm Thực ra với các nhân vật nam, tôi nghĩ mình cũng tạo dựng được nhiều vai diễn ấn tượng đấy chứ: Huy của Quyền Linh, Toàn của Chi Bảo trong Đồng tiền xương máu, Phát của Quốc Thái trong Người đàn bà yếu đuối, Phúc của Lương Thế Thành, Lợi của Thanh Phương trong Miền đất phúc… Nhưng chẳng hiểu sao mọi người cứ nhắc lại thế mạnh của tôi với thân phận người phụ nữ?

Có điều tôi luôn thích đề cao nữ quyền, sự bình đẳng, khả năng mạnh mẽ vươn lên, vượt qua nghịch cảnh của người phụ nữ, không chấp nhận sự hiền lành, an phận, nhu nhược, thụ động của họ trước hoàn cảnh. Phim Ngày em đến cũng vậy. Tôi thích sự phản kháng của Trà khi bị ép hôn, quậy phá để được là chính mình. Tôi không thích nếu Trà cứ nhịn nhục, chịu đựng mọi sự bất công mà hoàn cảnh xô đẩy mình vào, chỉ để lúc nào mình cũng được coi là gái ngoan, gái tốt, gái hiền lương thục nữ. Cô phải sống hết mình với bản năng mạnh mẽ của mình, để cuối cùng bị chinh phục trước tình cảm chân thành, bao dung thực sự của Tài. Nếu mà Trà cũng bình thường, duyên dáng, hiền thục toàn thời gian thì phim này không thể có hiệu quả tương phản, thay đổi, biến chuyển 1 cách khác thường mà dễ thương như vậy.

Nhân vật bà Lành, mẹ Trà cũng vậy, gần như toàn bộ những lời thoại, hành động phản đối của bà trước việc Trà bị ép gả cho thằng khờ, trước việc phản ứng của bà khi thấy Trà bị áp bức, đày đọa bởi bà Điệp, Hà My là tôi nhấn nhá thêm thắt cho bà - mà điều này nhiều khán giả cũng phản ứng, trong khi số đông ủng hộ. Bởi vì tôi muốn cho bà là 1 người mẹ bình thường, mang tâm lý thực sự của người mẹ thương con, không bao giờ muốn con mình bị khốn khổ, bị người khác giày xéo tùy tiện. Nhưng thấp cổ bé họng thì chỉ có thể làm những việc nhỏ mọn, đàn bà tầm thường vậy thôi. Chứ nếu bà cái gì cũng thể hiện là người mẹ tốt, cư xử đúng mực mọi nơi mọi chỗ, chấp nhận chịu đựng như mọi kẻ dưới khác thì không thể phản ánh đúng tâm lý người mẹ. Cũng có bạn tâm sự với tôi khi thấy trên mạng có người phản ứng trước sự không hiền lành của mẹ Trà là: nếu con em mà bị như vậy thì em cũng đập chết kẻ đã làm điều ác, đày đọa con em.

Con người không ai tốt toàn diện, phụ nữ không cần hiền ngu suốt đời. Đó mới là thực tế không 1 chiều mà chúng ta phải chấp nhận và thể hiện cho sinh động và sâu sắc trong tác phẩm của mình. Đã qua cái thời nghệ thuật tô hồng hoặc bôi đen 1 chiều, đã tốt thì lúc nào cũng phải tốt, đã xấu thì không thể hoàn lương… Nhân vật càng có tâm lý đa chiều, phức tạp, biến đổi trong từng hoàn cảnh mới thực sự chứng tỏ vốn sống phong phú và khả năng sáng tạo của nghệ sỹ.

Ngày em đến là cuộc đấu đá khốc liệt trong một gia đình giàu có nhưng vẫn có không ít tình huống hài hước. Yếu tố bi – hài vốn được anh phát huy tốt trong nhiều dự án trước đây được anh cân đối như thế nào nhằm lôi cuốn khán giả? 

Đạo diễn Đinh Đức Liêm Tôi không thích phong cách làm phim chính kịch, thuần bi kịch hay hài kịch. Bởi vì cuộc sống luôn đa dạng màu sắc. Trong khi người này gặp phải bi kịch thì người khác nhìn vào thấy hả hê cho sự hơn người, thành công của mình. Trong khi người khác vui vẻ thì người kia lại ghen ghét, đố kỵ, đau khổ vì sự thất bại, thua kém của mình… Cho nên tôi rất thích phim mình làm kiểu trong cái hài có cái bi, trong cái bi có cài hài

Khán giả xem vậy cũng nhẹ nhõm, đỡ nặng đầu, thấy hấp dẫn hơn. Thật ra ở Việt Nam vừa qua làm hài kịch, tấu hài vô tội vạ, làm hài lố, hài dơ nên khán giả và giới chuyên môn bị ấn tượng không tốt với hài kịch chân chính, hài tình huống, hài tính cách, hài hiện thực phê phán… Chứ làm được hài sâu lắng, hài hiện thực đòi hỏi sự thông minh, tinh tế của người sáng tác, sự duyên dáng thật sự của diễn viên. Diễn viên không giỏi, không có duyên vẫn có thể diễn chính kịch, bi kịch. Nhưng diễn viên không thông minh, không có duyên trời sinh không thể đóng hài 1 cách nhẹ nhàng, không cường điệu được.

Thế giới có giải Bafta (Anh), Quả cầu vàng (Mỹ)… đều có giải riêng cho 2 thể loại chính kịch, hài kịch. Nhưng Việt Nam gần như ấn định giải chỉ dành riêng cho chính kịch, mà nhiều khi cho những phim chẳng ai thích xem. Đó là bi kịch bất công của điện ảnh truyền hình nước ta.

Fr ct

Viết bình luận