Tôi ngày ấy - bây giờ DOANH NHÂN

Thoáng chốc ấy vậy mà đã 50 năm (1973-2023) trôi qua kể từ ngày tôi theo gia đình rời quê cha đất tổ, quê hương núi Ấn sông Trà (Quảng Ngãi) vào mảnh đất Quảng Phước, Phước Tuy, Bà Rịa - Long Khánh, Đồng Nai (nay là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) sinh sống. 

Tôi vẫn nhớ như in, mùa xuân năm ấy, khi tôi vừa lên 6 cả nhà quyết định khăn gói lên đường vào vùng kinh tế mới để mưu sinh. Thời điểm đó Phước Tuy là điểm dừng chân của nhiều người đến từ miền Trung trong đó có gia đình tôi.

Tại đây cả nhà tôi được chính quyền địa phương bố trí một căn nhà nằm trên đường 29 xã Quảng Phước (nay là xã Suối Nghệ).

Những ngày đầu vừa chân ướt chân ráo đặt chân lên đất khách quê người, cả nhà phải sống trong điều kiệm thiếu thốn, khó khăn chồng chất. 

Đặc biệt do nhà chưa được xây xong nên cả gia đình tôi phải sống tạm bợ tại công trường Tự Do (nay là quán Arita, đường số 1, xã Suối Nghệ), mãi một thời gian sau mới có nhà ở ổn định.

Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh những chiếc xe bồn chiều chiều chở nước đến chia cho các gia đình để phục vụ sinh hoạt. Lúc đó nhà nào cũng phải sắm 1 chiếc thùng phuy để trữ nước, tắm rửa mọi thứ đều phải dè dặt để tiết kiệm nước.

Còn đường giao thông cũng đa số là đường đất, sỏi đá, chỉ có đường Hoa Kỳ là xịn hơn (đường liên xã Suối Nghệ - Nghĩa Thành bây giờ).

Dẫu thiếu thốn như thế, dẫu trải qua những thăng trầm, khốc liệt trong cuộc sống nhưng anh em tôi may mắn được gia đình quan tâm, bảo bọc, giáo dục và chăm sóc chu đáo nên cũng có được tuổi thơ bình yên.

Năm 1975 - 1979 đất nước giải phóng, tôi được tiếp tục học tiểu học tại mái trường cách mạng Suối Nghệ B. Kế đó từ năm 1979 đến 1984, tôi theo học THCS tại trường THCS Suối Nghệ B, xã Suối Nghệ.

Còn giai đoạn 1984 đến 1987, tôi lại tiếp tục con đường học tập với việc ngày hai buổi đạp xe từ Suối Nghệ lên xã Ngãi Giao để học THPT tại trường THPT Châu Thành, phân hiệu Ngãi Giao. 

Sự nghiệp học hành đang ở đỉnh cao, nhưng đến năm  1987, cuộc đời tôi bất ngờ rẽ sang trang mới. Lúc này, sau khi tốt nghiệp THPT, tôi không học lên cao hơn mà quyết định vào công tác ở UBND xã Nghĩa Thành, huyện Châu Thành. 

Nhiệm vụ đầu tiên của tôi ở đây là cán bộ thu thuế nhưng làm một thời gian tôi tự thấy mình không phù hợp nên lần lượt chuyển sang các vị trí mới như thống kê nông nghiệp, nhân viên đánh máy cho Văn phòng UBND xã,...

Với đức tính cần cù, chịu thương chịu khó, được lãnh đạo địa phương quan tâm, tạo điều kiện nên từ năm 1991, tôi lần lượt được giữ các chức vụ kế toán Ban Tài chính xã, Uỷ viên Tài chính UBND xã. 

Tới năm 2003, do yêu cầu công tác, tôi được điều động về UBND huyện và lần lượt kinh qua các chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin - Thể thao huyện, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin – Thể thao kiêm Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin – Thể thao huyện. 

 

 

 
 

 

Tháng 6 năm 2014, được phân công giữ chức Chánh Văn phòng UBND huyện; Tháng 11 năm 2014 được bầu giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện; Tháng 7 năm 2020, giữ chức Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Châu Đức. Tháng 9 năm 2022 được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Châu Đức. 

Trải qua 36 năm tham gia cách mạng, dù ở bất cứ cương vị nào, tôi cũng đều cố gắng để chiến thắng chính mình, ra sức học hỏi, trau dồi bản thân để tốt hơn từng ngày.

Bản thân tôi luôn tâm đắc rằng mình đã không chùn bước trước khó khăn, luôn cố gắng hết mình vì đại cục, luôn đấu tranh, sống hết mình vì cộng đồng, bảo vệ lẽ phải, không có bất kỳ tư lợi cá nhân nào.

May mắn vì bản thân có nhiều năm phụ trách công tác văn hoá xã hội đã giúp tôi có cảm quan tốt với đời sống nhân dân.

Qua đó có thêm động lực chăm lo cho đời sống xã hội của người dân địa phương, xác định nhân dân là chủ thể trong mọi hoạt động của địa phương.

Nhiều năm đi qua, tình yêu đối với 2 quê hương là Châu Đức cũng như Quảng Ngãi thân thương ngày càng lớn mạnh.

Nơi này tôi ra sức xây dựng quê hương Châu Đức nhưng trong lòng vẫn canh cánh, ray rứt với nơi chôn nhau cắt rốn xứ Quảng.

Những năm trước, do điều kiện địa lý và kinh tế nên tôi cũng không có điều kiện về thăm quê. Khoảng 1 thập kỷ gần đây, tôi được tham gia vào hội đồng hương Quảng Ngãi tại Châu Đức - Bà Rịa và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nên có nhiều cơ hội để trải lòng mình với quê hương hơn

Ngoài tâm huyết với hoạt động hội, tôi còn dành trái tim, dốc hết tâm lực hướng về quê hương thông qua các chương trình như xây nhà tình thương, quỹ học bổng, quỹ vì người nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh Quảng Ngãi, huyện Mộ Đức, xã Đức Minh, nơi tôi sinh ra…

Mỗi một hoạt động ý nghĩa đó chính là tình cảm, là tấm lòng của người con xa quê như tôi hướng về quê nhà. Bởi hai tiếng quê hương thiêng liêng, da diết, khắc sâu vào máu thịt của tôi.

 

Nguyễn Tấn Bản

 

 

 


Thời điểm đó Phước Tuy là điểm dừng chân của nhiều người đến từ miền Trung trong đó có gia đình tôi

Viết bình luận