‘Vua cà phê’ Việt đề cao Tâm thức hơn Trí thức, vì: Luyện thân là dễ số 1, luyện trí là dễ số 2, nhưng luyện tâm là cái khó nhất! DOANH NHÂN
"Hoàn hảo của 1 con người chia 3 thứ: thân – tâm – trí. Thân là hình tướng, trí là cái học hiểu biết, nhưng quan trọng là tâm. Tâm thức mới quan trọng chứ không phải trí thức...", ông Đặng Lê Nguyên Vũ nói.
Đặng Lê Nguyên Vũ (SN 1971) là người sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên. Ông là người được National Geographic Traveller và Forbes Asia vinh danh là "Vua Cà phê Việt Nam". Cuộc đời của Đặng Lê Nguyên Vũ luôn là một ẩn số, chứa đựng những thăng trầm đầy bí ẩn khiến cho người khác phải tò mò.
Dù vậy, Đặng Lê Nguyên Vũ vẫn luôn là một tượng đài doanh nhân trong lòng nhiều người Việt với triết lý kinh doanh mới mẻ, gai góc, là nguồn cảm hứng vô tận đối với các start up non trẻ thông qua những phát ngôn để đời về cả cuộc sống xen lẫn những bài học kinh doanh.
"Niềm tin và chữ tín của mình với người khác là cái vốn lớn nhất"
Trong một lần chia sẻ với báo chí, ông Đặng Lê Vũ cho rằng, trên mọi phương diện, cái vốn phải là "chữ tín". Để có thể dùng "chữ tín" vay vốn thì trước tiên mình phải tạo được niềm tin cho người ta, mình phải tự tin là làm được thì mới làm cho người khác tin vào mình và quan trọng là phải tìm đúng đối tượng có thể giúp được mình. Ông Vũ cho rằng: "Niềm tin và chữ tín của mình với người khác là cái vốn lớn nhất".
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nguyên
"Khi bạn nợ tiền ai đó, người ta không đòi không phải vì quên, mà họ im lặng để chờ xem sự tử tế của bạn có thật như những gì bạn đã hứa hẹn"
Quan điểm về tiền bạc, nợ nần vay trả sòng phẳng của ông Vũ cũng rất được lòng giới trẻ. Theo ông Vũ: "Khi bạn nợ tiền một ai đó, hãy hiểu sâu sắc rằng chữ "Nợ" ấy không thể chỉ trả bằng giấy bạc, sòng phẳng như giấy bạc."
Lấy chính cuộc đời nhiều biến thiên của mình, ông Vũ kể: "Một người cho tôi vay tiền, tôi nghĩ rằng đó là người ta mang công sức bát gạo của bản thân họ gửi gắm vào tay mình. Tuyệt nhiên không dám nghĩ, ít nhiều cũng không dám nghĩ người ta thừa tiền nên đôi ba đồng cái công chỉ như cái kẹo.
Ông cho rằng, người ta không đòi bạn cũng chẳng phải vì người ta quên. Đồng tiền đi liền khúc ruột, họ im lặng để chờ xem sự tử tế của bạn có thật như những gì bạn đã hứa hẹn.
"Người khác làm được thì ta làm được"
Năm 2013 tại Hà Nội, ông Đặng Lê Nguyên Vũ có chia sẻ: "Bạn hãy đọc sách và mài chí để hành động cho một Việt Nam Hùng Mạnh, Ảnh Hưởng và Trường Tồn, trước mọi mối đe dọa-thiên tạo lẫn nhân tạo. Người Khác Làm Được Thì Ta Làm Được. Nước Khác Làm Được Thì Nước Ta Làm Được. Ta nhất định làm được".
"Tiền nhiều để làm gì?"
Trong phiên tòa xét xử ly hôn ngày 20/2/2019, ông Vũ và bà Thảo không ngừng tranh cãi gay gắt về vấn đề tài sản và trách nhiệm. Ông chủ Trung Nguyên lớn tiếng: "Tiền để làm gì? Tiền nhiều để làm gì mà để ngày hôm nay ngồi như thế này?".
Câu nói này của ông chủ cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ khiến nhiều người suy ngẫm và trở thành trend suốt một thời gian dài.
Câu nói "Tiền nhiều để làm gì?" của ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng gây bão trên mạng xã hội
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ không khỏi xót xa khi bộc bạch: "Tiền bạc nhà này không thiếu gì, nhà này chỉ thiếu đạo lý, thiếu trật tự trên dưới, thiếu nghĩa tình người. Rất đau lòng khi cả nhà lôi nhau ra tòa như thế này".
"Không có tiền thì phải có chí, mà không có chí thì phải đổ mồ hôi và sức lao động"
Hành trình từ tuổi thơ nghèo khó đến thành công lớn lao của Đặng Lê Nguyên Vũ là một câu chuyện đầy cảm hứng, là minh chứng cho sự kiên trì và nỗ lực phi thường. Đằng sau vẻ ngoài của một doanh nhân xuất sắc, là một quãng đường dài đầy cam go, là bài học cho những ai đam mê và có lòng kiên trì trước khó khăn.
Chính vì thế, khi chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho người trẻ, ông Đặng Lê Nguyên Vũ từng nói: "Tôi khởi nghiệp khó lắm, cái đầu tôi trụi luôn. Không có bất cứ thuận lợi nào mà chỉ có rất nhiều khó khăn. Thế nhưng, khi khó khăn hay mệt mỏi, tôi đã tự an ủi mình. Bởi vì dường như trước khi trời trao cho ai việc lớn thì trời phải hành hạ người đó. Thứ hai, mình không có tiền thì phải có chí. Mà không có chí thì phải đổ mồ hôi và sức lao động. Những thứ đó phải là điểm tựa cho mình.
Nếu nói khởi nghiệp thì hiện nay không còn là con số 0 nữa. Nó có điều kiện, môi trường đủ tốt. Ngày xưa tôi khởi nghiệp là từ con số âm chứ không phải con số 0 nữa."
Chủ tịch cà phê Trung Nguyên cũng đúc rút rằng: "Tôi nghĩ rằng, thế hệ thanh niên trẻ Việt Nam có thể học tập thêm rất nhiều từ thanh niên Do Thái. Họ tư duy rất khác với chúng ta hiện nay. Đối với họ, lứa tuổi 25, 28 họ đã rất chín muồi, đã có thể nói và làm rất nhiều điều lớn lao. Họ luôn suy nghĩ 'không phải ta thì là ai?', 'Không phải bây giờ thì còn đợi lúc nào?' Họ không phó mặc cho thế hệ trước hay con cái tương lai, mà nhận lấy trách nhiệm ở thời điểm hiện tại.
Luyện thân là dễ thứ nhất, luyện trí là dễ thứ hai nhưng luyện tâm là cái khó nhất"
Vài năm nay, nam doanh nhân thường nói về những khái niệm siêu nhiên như "tỉnh thức", "người được lựa chọn", "điều kỳ diệu ở thế gian", "điều Trời đích thân dạy"... qua những công bố về cuộc trò chuyện, qua phát ngôn với những người hiếm hoi được đến thăm ông, thi thoảng cũng qua Facebook nữa.
Năm 2023, trong một cập nhật trên trang cá nhân, ông Đặng Lê Nguyên Vũ viết:
"Sống ở đời, điều gì là lớn lao nhất của một con người ? Phải chăng đó là có lòng trắc ẩn
Trắc ẩn với đồng loại của mình, xa hơn là với chúng sinh vạn loài, cỏ cây hoa lá.
Cảnh giới cao nhất, thăng tiến nhất của một con người. Bình thường và dễ dàng nhất là trắc ẩn với những người thân yêu, người sinh ra ta, con cái ta, trong gia đình rồi xung quanh bạn bè, đồng nghiệp.
Càng mở rộng được tập "khách hàng" này thì sự tiến hóa càng mạnh, càng sâu sắc.
Nhưng quan trọng, để mở rộng được tập khách hàng này là góc độ về tâm, không phải về trí.
Luyện thân là dễ nhất. Luyện trí là dễ thứ hai. Luyện tâm là vô cùng khó".
"Tâm thức mới quan trọng chứ không phải trí thức"
Nhà báo Trần Hoài Thanh từng chia sẻ phát ngôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ chưa từng được viết trên báo như sau:
"Hoàn hảo của 1 con người chia 3 thứ: thân – tâm – trí. Thân là hình tướng, trí là cái học hiểu biết, nhưng quan trọng là tâm. Tâm thức mới quan trọng chứ không phải trí thức.
Trước giờ nói trí thức, trí nói về não, nhưng não luôn tư duy phân biệt. Ngay trong cơ thể nó cũng phân biệt, đi ra ngoài nó lau cái mặt còn cái chân dơ giấu đi, kệ nó. Cần cho cái mặt đẹp thôi còn mọi thứ kệ. Não luôn tư duy cục bộ, phân bổ ưu tiên theo lợi ích trước mắt chứ đâu thấy tổng thể. Phải suy tư từ tâm chứ không phải từ trí, từ vô thức chứ không phải ý thức.
Bài chia sẻ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ nhận về lượt yêu thích rất lớn từ người dùng mạng
Có những thằng nói lời cao đẹp vanh vách nhưng không phải, phải từ trong trái tim của nó. Người chị em ngủ trái tim vẫn đập, não nghỉ, nuôi cơ thể. Người chị em là người mẹ, thương đứa con mình trong vô thức chứ không phải ý thức. Nó là vô thức, thương trong vô thức là người bình thường, còn ác tính, thú tính không nói. Thương không tính toán gì, có thể là vô điều kiện. Thao thức tới vô thức, không phải ý thức, phải đạt tới cảnh giới đó mới là tâm thức.
Ánh sáng tâm mới là ánh sáng thật, đúng của tạo hóa. Còn trí người phàm có được bao nhiêu, đối với người chị em gọi là dữ liệu lớn. Dữ liệu lớn trí tuệ nhân tạo chạy trên nền toán nhị phân, còn Thượng đế là N phân N hợp, tức thì đồng thời, người anh chị em sao hiểu nổi, bất khả trí. Cứ kính ngưỡng là tốt nhất, thiện lành là tốt nhất, sống với nhau cho tốt. Sống với muôn vật biết tôn tạo tạo vật chứ đừng phá, con người với con người theo nguyên tắc tôn tạo tiến lên, làm gì mà phá là đi ngược, đi sai. Tạo vật thiên nhiên núi rừng, mình sống khai thác phải tôn tạo chứ đừng phá, phạm luật Trời".
Người thành đạt là "Chọn đúng vợ, đúng việc, chọn đúng cà phê"
Đến năm 2019, trong một buổi gặp gỡ báo chí thời điểm trước khi ông và vợ chính thức ra tòa, ông đã chia sẻ như sau: "Qua nói một người thành đạt là "Chọn đúng vợ, đúng việc, chọn đúng cà phê" để tỉnh táo. Chọn nhầm 2 cái đầu tan xác.
Lúc gặp thằng em con chú ruột qua, Qua nói "Nếu sau này mày làm chuyện lớn, đừng bao giờ lấy vợ giống anh". Khi muốn làm gì thì người vợ, người phối ngẫu phải ở cùng tầng. Còn nếu vợ là người giới hạn, cực đoan nữa thì giới hạn của người vợ sẽ là giới hạn của mình. Cách đây 9- 10 năm, khi người em họ qua Singapore đào tạo, Qua đã nói: "Mày sau này làm việc lớn, có chí lớn lớn thì đừng lấy vợ nha mày".
Thậm chí, ông cũng nhấn mạnh nhiều lần đến việc cần có sự tương xứng giữa hai vợ chồng:
"Một người đàn ông làm việc lớn thì cố gắng chọn vợ phải chọn cho đúng. Không thì kẹt lắm. Giới hạn của người vợ là giới hạn của người đàn ông, giới hạn họ thấp kéo xuống là mệt lắm. Họ tỉ tê từ quyền lực mềm đến quyền lực cứng, triệt tiêu hết mọi quyền lực của mình".
Trước ý kiến cho rằng đằng sau thành công của người đàn ông là bóng dáng phụ nữ, ông chủ Trung Nguyên thừa nhận điều này. Nhưng ông nói thêm: "Đằng sau sự tan hoang của người đàn ông cũng là người phụ nữ thôi. Nên phải chọn, nếu không chọn được thì ở giá đi, Qua khuyên 1 điều như vậy. Đừng bao giờ dính dáng để sau đó sinh chuyện".
Từ CafeF
Viết bình luận