Sổ tay biểu tượng Phật giáo Tây Tạng: Giải mã ý nghĩa của những biểu tượng trong đạo Phật ĐỜI SỐNG
Hoa sen, bánh xe, hay vỏ ốc xà cừ - bạn có tò mò rằng những hình ảnh đó tượng trưng cho điều gì trong Phật giáo không?
Và vô số những biểu tượng khác nữa, chúng có nguồn gốc từ đâu, minh hoạ thế nào cho những triết lý nhà Phật đẹp đẽ, thâm sâu?
“Sổ tay Biểu tượng Phật giáo Tây Tạng” (“The Handbook of Tibetan Buddhist Symbols”) là công trình lý giải cặn kẽ và toàn diện vô số các biểu tượng, mô típ Phật giáo Tây Tạng.
Phật giáo Kim cương thừa Tây Tạng có ảnh hưởng đến rất nhiều biểu tượng Phật giáo ở Việt Nam; nên hệ thống những biểu tượng trong cuốn sách này sẽ giúp bạn hiểu hơn về các hình tượng liên quan đến nghệ thuật Phật giáo ở nước ta, lẫn triết lý, lịch sử nhà Phật nói chung.
Tác giả, học giả người Anh Robert Beer có hơn 30 năm nghiên cứu và thực hành nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng. Ông là một trong những người phương Tây đầu tiên tích cực tham gia vào loại hình nghệ thuật này. Riêng những bức vẽ của ông đã xuất hiện trên hàng trăm cuốn sách và trang website liên quan đến Phật giáo.
“Sổ tay Biểu tượng Phật giáo Tây Tạng” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Robert Beer. Sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng khác nhau và lọt top 100 cuốn sách bán chạy nhất hạng mục “Nghệ thuật & Nhiếp ảnh tôn giáo” (Religious Arts & Photography) trên Amazon.
‘Chuyến tham quan’ qua những biểu tượng
Qua 16 chương sách, tác giả đưa bạn đọc vào một “chuyến tham quan” ngoạn mục và lý thú: Bắt đầu bằng các nhóm biểu tượng tốt lành khác nhau của Phật giáo Tây Tạng; kế đến là những hình tượng động vật tự nhiên, thần thoại, biểu tượng vũ trụ; rồi cuối cùng ‘dừng chân’ ở những nghi lễ thần bí của Kim cương thừa.
Với từng biểu tượng và mô típ, Robert Beer dùng những mô tả cô đọng cùng các nét vẽ tỉ mỉ và tinh xảo (mà Beer mất đến 8 năm để vẽ xong) -.để làm sáng tỏ chi tiết, nguồn gốc và nhiều lớp ý nghĩa được chứa đựng trong chúng.
5 chương đầu tiên trình bày các nhóm những biểu tượng, lễ vật tốt lành (nhiều trong số đó được xem là hoạ tiết biểu tượng đầu tiên của Phật giáo Ấn Độ thời kỳ đầu).
Lấy ví dụ về một trong những biểu tượng nhà Phật được biết đến nhiều nhất: bánh xe pháp - một trong nhóm 8 biểu tượng tốt lành (bát bửu). Hãy nghe Robert Beer lật mở từng lớp ý nghĩa bên trong biểu tượng này: “Ba thành phần của bánh xe - trục, nan hoa và vành - tượng trưng cho ba khía cạnh của Phật thuyết về đạo đức, trí tuệ và định lực.
Trục trung tâm tượng trưng cho kỷ luật đạo đức, tập trung và ổn định tâm trí. Các nan hoa sắc nhọn tượng trưng cho trí tuệ hay trí tuệ phân biệt cắt đứt vô minh. Vành tượng trưng cho sự tập trung thiền định, vừa bao trùm vừa tạo đà chuyển động của bánh xe”...
Kế đến, chương 6 bàn về nguồn gốc và ý nghĩa của các hình tượng động vật tự nhiên và động vật thần thoại xuất hiện trong nghệ thuật Phật giáo: như voi, hươu, sư tử tuyết, rắn thần, thuỷ quái…
Còn trong chương 7, tác giả tập trung làm rõ các biểu tượng vũ trụ của mặt trời, mặt trăng; năm nguyên tố vật chất (đất, nước, lửa, khí và không gian); Núi Meru (một biểu tượng có nguồn gốc trong văn hóa Hindu, sau đó ảnh hưởng đến Phật giáo) và lễ cúng dường mandala (một trong bốn thực hành thiết yếu của Phật giáo Kim cương thừa).
Về phương pháp thực hành, Phật giáo Kim cương thừa Tây Tạng có nhiều những nghi lễ thần bí, bí truyền, liên quan tới đạo sư và các vị thần. Những nội dung này được tập trung từ chương thứ 8 trở đi. Robert Beer lần lượt trình bày về những nghi thức chính của Phật giáo Kim Cương thừa, các vũ khí truyền thống và ma thuật, các pháp khí cơ bản của các vị thần và đạo sư và những biểu tượng bí truyền hơn của Phật giáo Kim cương thừa…
Sách kết thúc bằng một bảng chú giải từ vựng cùng 4 phụ lục. Mặc dù những chủ đề của các phụ lục này chỉ được giải thích ngắn gọn và không đầy đủ, nhưng chúng sẽ giúp bạn đọc có cái nhìn sâu sắc về các nguyên tắc và thực hành tinh vi của Phật giáo Kim Cương thừa.
Bản dịch thấm đượm tinh thần Phật giáo
Dù nội dung những miêu tả trong sách đều hết sức cô đọng, nhưng chúng cũng chứa đựng những câu chuyện, điển tích và những khám phá mới lạ, thể hiện chiều sâu mênh mông của triết lý nhà Phật.
Và không chỉ ở nội dung, tinh thần Phật giáo còn thấm đượm trong lối tiếng Anh uyển nhã, đầy lòng xác tín của tác giả Robert Beer.
“Là người hâm mộ văn hóa Ấn Độ và Tây Tạng như sùng bái thần thánh, tác giả viết với niềm đam mê, kỹ lưỡng và cẩn thận của một học giả nghiên cứu, lại tự mình vẽ tất cả các minh họa, rồi ông trình bầy bằng một lối văn tiếng Anh uyển nhã”, hai dịch giả Phan Cẩm Thượng và Phan Tường Linh cho biết.
Cũng theo người dịch, cuốn sách từng có bản dịch tiếng Trung của học giả Trung Hoa Hướng Hồng Giá. Tuy nhiên, có lẽ rằng với học giả Trung Quốc, văn hóa Tây Tạng cũng chỉ là một phần văn hóa sắc tộc ở Trung Quốc, nên “vẻ đẹp của lòng xác tín nội tâm của tác giả, qua bản tiếng Trung đã mất đi nhiều”.
Khi chuyển ngữ sang tiếng Việt, dù tham khảo và đối chiếu từ bản dịch tiếng Trung, nhưng hai dịch giả Phan Cẩm Thượng và Phan Tường Linh cũng chủ ý đi theo lối văn uyển nhã, đầy sự tôn kính của bản gốc, đồng thời cố gắng chuyển ngữ sát với tâm tưởng Phật giáo - điều người dịch vẫn hằng tâm niệm.
Phan Cẩm Thượng và Phan Tường Linh có nhiều năm nghiên cứu các di sản Phật giáo Việt Nam, từng sống 12 năm trong một ngôi chùa và có thời gian du ngoạn trên Himalayas.
Với bản dịch tiếng Việt của “Sổ tay Biểu tượng Phật giáo Tây Tạng”, họ muốn truyền đạt đến người đọc tinh thần và cái hạnh ngộ nội tâm đó, để việc đọc sách đem lại cảm giác như “chuyến hành hương trên các đỉnh núi Tây Tạng, đọc Kinh bằng tiếng Phạn, tiếng Tạng và nghe văng vẳng bên tai tiếng gió hú từ các ngọn núi cao đầy tuyết”...
Với nội dung hấp dẫn, toàn diện và hình ảnh tinh xảo, “Sổ tay Biểu tượng Phật giáo Tây Tạng” là tác phẩm hàng đầu dành cho ai muốn tìm hiểu về nghệ thuật Tây Tạng, Phật giáo Tây Tạng cũng như lịch sử Phật giáo.
Không những vậy, cuốn sách cũng sẽ rất hữu ích với những nghệ sĩ, nhà thiết kế, cùng bất cứ ai quan tâm đến nghệ thuật biểu tượng, mỹ thuật và nghệ thuật phương Đông nói chung.
Về Phật giáo Kim cương thừa Tây Tạng
Phật giáo phát triển trên quê hương Ấn Độ trong 17 thế kỷ, cho đến khi quân đội Hồi giáo xâm lược cuối cùng phá hủy các Phật viện lớn vào cuối thế kỷ thứ 12.
Những sự truyền thừa Mật thừa của Phật giáo Kim Cương thừa được “tiết lộ” giữa thế kỷ thứ 8 và 12, và khoảng thời gian 400 năm này thể hiện sự nở rộ cuối cùng của văn hóa Phật giáo Ấn Độ. Cũng trong thời gian này, giáo lý Phật giáo được truyền vào Tây Tạng qua Kashmir và Nepal, và được dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Tây Tạng.
Vậy, điều gì phân biệt Phật giáo Tây Tạng với Phật giáo Ấn Độ thời kỳ đầu?
Tác giả Robert Beer dẫn lời kiến giải của tác giả Stephen Bachelor trong cuốn sách “The Jewel in the Lotus”: “Người Tây Tạng trình bầy về Phật giáo, không khác biệt nhiều so với những người đi trước ở Ấn Độ về nội dung giáo lý, nhưng khác ở cách thức. [...] Điều mang lại cho Phật giáo Tây Tạng hương vị đặc biệt, không phải bất kỳ thành phần Tây Tạng độc đáo nào, mà là cách những thành phần Phật giáo phổ biến hòa trộn với nhau trong tâm thức Tây Tạng”.
Về tác giả
Học giả người Anh Robert Beer có hơn 30 năm nghiên cứu và thực hành nghệ thuật Phật giáo Tây Tạng. Ông là một trong những người phương Tây đầu tiên tích cực tham gia vào loại hình nghệ thuật này. Riêng những bức vẽ của ông đã xuất hiện trên hàng trăm cuốn sách và trang website liên quan đến Phật giáo
Robert Beer có hai công trình sâu sắc liên quan đến Phật giáo Tây Tạng: Cuốn “Bách khoa thư Biểu tượng và Mô típ Tây Tạng” (“The Encyclopedia of Tibetan Symbols and Motifs”) và cuốn “Sổ tay Biểu tượng Phật giáo Tây Tạng” (“Handbook of Tibetan Buddhist Symbol”).
Về dịch giả
Với hơn 30 năm tìm tòi, học hỏi và nghiên cứu, nhà nghiên cứu, hoạ sĩ Phan Cẩm Thượng đã xuất bản nhiều tựa sách nổi bật như “Mỹ thuật của người Việt”, “Nghệ thuật ngày thường”, “Văn minh vật chất của người Việt”, “Tập tục đời người”,…
Trong đó, cuốn sách “Văn minh vật chất của người Việt” - đạt giải B Giải thưởng sách quốc gia năm 2022.
Hoàng Hà
Viết bình luận