GS.BS Nguyễn Chấn Hùng bật mí đằng sau cái tên “ung bướu” và câu chuyện về Bệnh viện Ung bướu TP.HCM ĐỜI SỐNG

Tập 7 chương trình Đời Rất Đẹp là những chia sẻ của GS.BS Nguyễn Chấn Hùng về hành trình, cuộc đời của một người bác sĩ, thầy giáo. Đến với buổi trò chuyện, GS.BS còn lan tỏa những thông điệp tích cực về căn bệnh ung thư.

Từ trong hộp ký ức, MC Ngọc Lan xúc động khi cầm trên tay chiếc ống nghe y tế và một viên phấn trắng. Hai vật dụng tưởng chừng giản dị lại gắn liền với biết bao kỷ niệm của GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, người dành cả cuộc đời cho sự nghiệp chữa bệnh và giảng dạy. Năm 1985, ông đã xây dựng nên Trung tâm Ung bướu, nay là của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. Đến  năm 2007, ông chính thức nghỉ hưu vị trí Giám đốc. Bác sĩ tâm sự: “Khi chia sẻ về hai vật dụng này, tôi rất cảm động vì ngoài là thầy thuốc, tôi còn đi dạy trường y”.

Sau 40 năm hoạt động, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng không giấu được niềm tự hào lẫn vui mừng khi khắp các tỉnh thành trên cả nước đều có khoa Ung bướu, hỗ trợ sức khỏe đến người dân. Ông bày tỏ: “Năm 1989 tôi sang Pháp, đồng nghiệp hỏi tôi rằng Việt Nam có máy chụp C.T (thiết bị chẩn đoán hình ảnh) không, thời điểm đó tôi nghe qua nhưng không biết đó là máy gì. Nhưng hiện tại đó là chuyện thông thường. Sự xuất hiện của chiếc máy này đã giúp đỡ không biết bao nhiêu người”.

Nhắc lại hành trình thành lập nên Bệnh viện Ung bướu, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng cho biết không quá khó khăn vì bên cạnh ông, còn có sự đồng hành của nhiều đồng nghiệp và được nhà nước tạo điều kiện hết mực để tạo nên mạng lưới phòng chống ung thư như hiện tại. Nhân dịp chia sẻ này, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng còn tiết lộ về của cụm từ “ung bướu” và sự ra đời của Bệnh viện Ung bướu.

 

GS.BS Nguyễn Chấn Hùng tâm sự: “Hồi trước tôi làm Giám đốc Sở Y Tế lúc mới giải phóng, ông Dương Quang Trung (cố Viện sĩ - Tiến sĩ - Bác sĩ) đề cập với tôi về việc đặt tên trung tâm nhưng muốn sử dụng chữ “ung bướu” của tôi. Tôi đi hội nghị quốc tế về thì có một tên tiếng Anh là “oncology” - đây là ngành nghiên cứu về các khối u, khối bướu nhưng tôi thấy tên này dài quá nên tôi rút ngắn lại thành ung bướu. Trong đó, ung - tức chỉ bệnh ung thư, còn bướu là chỉ những khối u”.

 

Cũng tại chương trình, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng còn nhắc đến câu chuyện “hãy nhìn xuống cái giếng để trở thành một người bác sĩ tốt” mà mỗi lần lên giảng đường, ông đều cẩn thận nhắc nhở sinh viên. Ông kể: “Lúc tôi mới vào ngành ung bướu, dù còn rất trẻ nhưng tôi được một người thầy chọn trở thành giảng viên chính thức của phần dạy ung thư, thì ông mới nói với tôi thế này: “Làm thầy thuốc, thầy giáo luôn lấy cái giếng làm gương vì giếng nước luôn trong nhưng lại không tràn, dù khi múc nước có đục nhưng một thời gian ngắn, nước giếng sẽ trong và miệng giếng không bao giờ đậy lại. Ai muốn dùng nước giếng thì cứ lấy. Cũng giống như nghề thầy thuốc hay nhà giáo, ai bệnh thì mình trị, ai học thì mình truyền đạt, không có giấu nghề”.

 

Đến với miền ký ức tiếp theo, đồ vật mà MC Ngọc Lan lấy từ chiếc hộp ký ức là một khung ảnh với dòng chữ “an lành, ngủ đủ, tập đều, sống vui”. Ngoài câu thơ ý nghĩa này, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng còn tiết lộ thêm một vài phiên bản khác như “Ai ơi thuốc quý trời cho, an lành ngủ đủ, tập đều sống vui” hay “Ăn lành, ngủ đủ, tập đều, trời cho thuốc quý, khỏe người sống vui”. Theo GS.BS, ông dựa trên sự tiến bộ của y học nên đúc kết ra những câu thơ này.

 

Dù đã ngoài tuổi 80, song GS.BS Nguyễn Chấn Hùng vẫn miệt mài với sự nghiệp cứu người, viết sách, viết báo và truyền tải những thông điệp bảo vệ sức khỏe đến cộng đồng. Ông tiết lộ nguyên do dù nghỉ hưu nhưng “không nghỉ hưu”: “Có rất nhiều người hỏi tôi sao nghỉ hưu rồi mà vẫn còn làm nhiều công việc vậy. Thật ra không đúng đâu, tôi có một suy nghĩ khác, y học thì có nhiều kiến thức, việc dung nạp nhiều thì công tác truyền tải kiến thức của tôi sẽ được nhuần nhuyễn. Đồng thời, việc gặp gỡ, làm việc, trình bày báo cáo với những đồng nghiệp giúp tôi có thêm niềm vui trong cuộc sống. Họ nói tôi sao không vui thú điền viên nhưng có ai lại có được điền viên như tôi đâu”. 

 

Ngoài là bác sĩ, giảng viên, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng còn truyền tải thông điệp tích cực về sức khỏe bằng việc viết sách. Năm 2013, ông xuất bản quyển sách đầu tiên về căn bệnh ung thư có tựa đề Ung thư biết sớm trị lành. Chia sẻ về quá trình hình thành nên quyển sách này, ông tiết lộ: “Ông Nguyễn Hiến Lê nói tôi viết sách cho sinh viên rất vừa ý ông và ông ấy thách đối tôi viết một cuốn sách về ung thư cho mọi người đọc, ông còn nhấn mạnh viết sao cho mọi người dễ hiểu. Và tôi phải mất 5 năm mới soạn xong cuốn sách và được bà con đón nhận, tôi vui lắm”.

Không chỉ tâm niệm viết sách để mọi người đọc dễ hiểu mà GS.BS Nguyễn Chấn Hùng còn phải trình bày để nhiều người hiểu biết về ung thư nhưng lại không sợ mắc bệnh. Theo ông, như vậy thì mọi người mới phấn khởi điều trị. Đồng thời, ông còn củng cố niềm tin với người dân về việc phát hiện căn bệnh ung thư sớm để điều trị kịp thời. GS.BS chia sẻ câu thơ về căn bệnh ung thư: “Ung thư ngừa được bạn ơi, ơ hờ bệnh nhập, đổ là trời kêu”.

Lắng nghe những chia sẻ từ GS.BS Nguyễn Chấn Hùng, MC Ngọc Lan không giấu được sự xúc động khi nhớ về người cha quá cố của mình cũng mất vì căn bệnh ung thư. “Cha tôi cũng mất vì căn bệnh ung thư cách đây 39 năm, lúc đó thì cha tôi phát hiện bệnh rất trễ. Từ khi phát hiện căn bệnh đến lúc mất đi chỉ đúng vỏn vẹn 1 tháng”, nữ MC nghẹn ngào. 

Khép lại chương trình Đời Rất Đẹp, GS.BS Nguyễn Chấn Hùng cho biết, bản thân sẵn sàng trở lại chương trình để chia sẻ vì “còn rất nhiều câu chuyện để kể”. Tiếp lời, MC Ngọc Lan bày tỏ sự cảm kích: “Câu chuyện của GS.BS Nguyễn Chấn Hùng không chỉ là một câu chuyện về cuộc đời của người bác sĩ mà còn là một người đi truyền cảm hứng, mang lại nhiều nguồn năng lượng tích cực để giúp người dân, những người bệnh để họ có một tinh thần lạc quan, sống vui, sống khỏe”.

Tập 7 Đời Rất Đẹp 2024 với câu chuyện của GS.BS Nguyễn Chấn Hùng sẽ được phát sóng vào lúc 19h15 thứ Bảy 15/2/2025 trên VTV9. Chương trình Đời Rất Đẹp do VTV9 và Jet Studio phối hợp thực hiện.

Hoàng Giang

Viết bình luận