Bà Lê Thị Giàu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đông Nam Dược Nhị Thiên Đường: “Làm gì cũng vì lợi ích cộng đồng” DOANH NHÂN
Cuối tuần, Chủ tịch Công ty Nhị Thiên Đường Lê Thị Giàu gọi điện thoại cho tôi với tâm trạng khá vui, bà thông tin vừa hoàn thành một số dự án mới mang lại giá trị cho doanh nghiệp và cộng đồng. Ở tuổi 65, người đứng đầu công ty vẫn xăng xái, năng nổ tìm tòi nhiều dự án để theo kịp xu hướng phát triển kinh tế xanh, ứng dụng công nghệ.
Bà chia sẻ: “Theo chiến lược phát triển kinh tế của TP.HCM cũng như nhận thức của lãnh đạo thành phố, mô hình tăng trưởng kinh tế truyền thống không còn là lựa chọn tối ưu. Do vậy, thành phố đã chuyển hướng, kiến tạo một hành trình mới, hành trình tăng trưởng xanh với tầm nhìn cho tương lai bền vững.
Hưởng ứng xu hướng phát triển của thế giới và định hướng của TP.HCM về phát triển bền vững theo hướng xanh hóa từ sản xuất, sản phẩm đến môi trường… suốt hai năm qua, dù nhiều khó khăn, chúng tôi luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi và chuyển hướng ứng dụng công nghệ, dây chuyền sản xuất, bảo đảm sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu xanh, ổn định sản xuất.
Chính vì vậy, ngày 13/9/2023 mới đây, Công ty CP Thực phẩm Bình Tây (tôi đang làm Chủ tịch HĐQT) đã được UBND TP.HCM trao “Giải thưởng xanh” nhờ thực hiện chuyển đổi xanh, đổi mới công nghệ, áp dụng các tiêu chí xanh trong sản phẩm, sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, ổn định đời sống công nhân, viên chức, tuân thủ các quy định về môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm, góp phần cùng thành phố xây dựng môi trường sống và làm việc trong lành...”.
* Đây là niềm vui mà bà vừa gọi điện thoại chia sẻ?
- Bên cạnh việc phát triển bền vững theo hướng xanh hóa, TP.HCM còn tập trung ứng dụng số, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) vào các lĩnh vực, ngành nghề. Đặc biệt, năm 2023 thành phố tập trung vào y tế công nghệ cao. Hưởng ứng chủ trương của lãnh đạo thành phố và cũng thấy xu hướng về nhu cầu sức khỏe và du lịch sức khỏe ngày càng được quan tâm, năm 2023, cùng với đoàn doanh nhân của thành phố đi xúc tiến thương mại ở Canada, xuất khẩu sản phẩm, tôi đã ký hợp đồng với một tập đoàn y tế có uy tín tại Hàn Quốc để đưa giải pháp ứng dụng AI vào tầm soát ung thư cổ tử cung cho phụ nữ. Hiện giải pháp này đã được ứng dụng tại một số nước như Hàn Quốc, Thái Lan… và Bộ Y tế Việt Nam đang thẩm định cấp phép sử dụng rộng rãi trong các bệnh viện.
* Ở tuổi 65, độ tuổi mà nhiều người đã bắt đầu chọn an nhàn, nhất là phụ nữ, tại sao bà vẫn năng nổ “chạy theo” công nghệ, nhất là AI là xu hướng luôn phải cập nhật, thay đổi?
- Với một người làm kinh doanh, ngày nào còn đứng trên thương trường, ngày đó tôi vẫn phải học, phải đi theo xu hướng mà cả thế giới và nền kinh tế đang vận hành. Bởi nếu không học, không chịu thay đổi, mình sẽ bị lạc hậu. Tuổi tác không phải lạc hậu mà lạc hậu là do chính mình không chịu học, không chịu thay đổi. Đây cũng là điều tôi muốn làm, phải làm để truyền cảm hứng cho nhân viên của tôi - những bạn còn rất trẻ, để họ luôn nỗ lực và phải học hỏi, thay đổi mỗi ngày.
Nhiều người cũng cho rằng, những người lãnh đạo nhiều tuổi như tôi chắc sẽ không còn năng lượng để truyền lửa và cảm hứng cho nhân viên. Nhưng ngược lại, tuổi tác lại là lợi thế. Cứ nhìn một người lãnh đạo lớn tuổi nhưng vẫn mạnh mẽ, xông xáo, vẫn đam mê tìm tòi, chạy đuổi với những công nghệ mới thì chắc hẳn nhiều nhân viên sẽ không thể an phận hoặc ngồi yên. Họ sẽ lấy đó để làm động lực làm việc và phấn đấu. Tôi đã rất tự hào vì đã truyền được nguồn cảm hứng cho nhân viên năng động và tự tin hơn.
* Việc đem giải pháp y khoa về Việt Nam, bà gặp khó khăn gì khi y tế không phải là chuyên môn của bà?
- Với hơn một thế kỷ cống hiến cho ngành dược và mong muốn tiến xa hơn trong y học, cải thiện cuộc sống của bệnh nhân, Công ty Nhị Thiên Đường luôn tin vào sức mạnh của sự đổi mới, xây dựng tương lai vào y tế để chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Trong thời đại phát triển vượt bậc về công nghệ, sự giao thoa giữa số hóa và y khoa đang tạo cơ hội cho bệnh nhân có cơ hội tiếp cận nhiều phương pháp chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh tối ưu nhất. Trong bối cảnh cảnh đó, chúng tôi bắt đầu hành trình cách mạng hóa, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cải thiện kết quả điều trị cho bệnh nhân và nâng cao khả năng tiếp cận các phương pháp chẩn đoán điều trị đột phá, ứng dụng AI…
Để theo kịp dòng chảy, bản thân tôi phải học hỏi và tìm hiểu rất nhiều thông qua việc tham dự nhiều cuộc hội thảo, hội nghị về y khoa. Như mới đây, tôi vừa tham dự một hội thảo y khoa tại Cần Thơ để thảo luận về chủ đề rất quan trọng “Ứng dụng số hóa trong y học cải thiện điều trị chăm sóc sức khỏe cho bệnh nhân”.
* Bà vừa chia sẻ, thành tựu y khoa mới nhất vừa thực hiện được trong năm qua là tích hợp công nghệ AI vào phát hiện ung thư cổ tử cung. Cụ thể, thành tựu này mang lại giá trị như thế nào cho cộng đồng, thưa bà?
- Việc tích hợp AI vào phát hiện ung thư cổ tử cung có ý nghĩa rất lớn và quan trọng. Bởi ung thư cổ tử cung là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho phụ nữ và đang đặt ra thách thức lớn đối với ngành y tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, hạn chế của các phương pháp chẩn đoán truyền thống là chi phí tầm soát khá cao. So với thu nhập của hơn 60% phụ nữ đang sống ở nông thôn thì chi phí này đang quá khả năng của nhiều người, chưa kể chi phí đi lại từ quê lên phố và thời gian chờ đợi kết quả. Nhưng với giải pháp ứng dụng AI của chúng tôi, sẽ không có sự phân biệt giữa phụ nữ ở thành thị hay nông thôn vì ai cũng được tiếp cận công nghệ cao để tầm soát ung thư với mức giá phù hợp, quy trình tầm soát nhanh, chỉ 5 giây là có kết quả.
Với khả năng phân tích lượng dữ liệu lớn, giải pháp này giúp xác định khả năng mắc bệnh ung thư cổ tử cung chính xác và nhanh chóng. Khi ung thư được phát hiện sớm sẽ rút ngắn thời gian điều trị, hạn chế tử vong.
Không chỉ tối ưu trong chẩn đoán điều trị, giải pháp này còn tối ưu trong cả hành trình chẩn đoán, đánh giá ban đầu, đến theo dõi điều trị, liên lạc và điều khiển y tế từ xa, nghĩa là những bệnh nhân ở xa chỉ cần chụp hình, gửi lên hệ thống có dữ liệu phân tích. Như vậy, vừa đỡ tốn kém cho bệnh nhân, lại đỡ mất mát nhân lực lao động và có những đứa trẻ không bị mất mẹ nếu được điều trị và phát hiện sớm.
* Năm 2023 là năm kinh tế toàn cầu khủng hoảng nhưng bà lại mở thêm hệ nhà thuốc Đông Nam dược. Việc này mang lại giá trị gì trong chiến lược kinh doanh, thưa bà?
- Quan điểm của tôi là làm gì cũng phải vì lợi ích cộng đồng và khó khăn trong kinh doanh là thách thức. Càng khó càng phải tập trung, cố gắng để vượt qua. Năm 2023 kinh tế khủng hoảng, nhưng không phải 100% doanh nghiệp làm ăn không được mà tùy theo ngành. May mắn là hai ngành tôi kinh doanh là thực phẩm và dược phẩm đều là ngành thiết yếu nên không quá khó khăn. Hiện sản phẩm đang xuất khẩu sang mấy chục quốc gia và tiếp tục xuất khẩu.
Với lợi thế đó, tôi không đưa ra kế hoạch kinh doanh tối ưu lợi nhuận mà lại nỗ lực tìm cách làm sao tối ưu nhất giá trị mang lại cho cộng đồng. Đó là giá trị lớn nhất trong năm 2023 tôi đã và đang làm.
* Cụ thể…
- Với hệ sinh thái sản phẩm đang có là sản phẩm dinh dưỡng và thuốc Đông Nam dược, tôi mở chuỗi nhà thuốc Nhị Thiên Đường kết hợp thuốc Đông Nam dược, Tây dược, hợp tác với hệ thống phân phối thuốc sỉ nhằm mục đích mang thuốc thật đến tận tay người dân với giá đúng nhất và giảm phí trung gian.
Năm nay, với mức sản xuất tăng gấp 300 lần nên mặc dù giá nguyên vật liệu cao, dầu tăng, gạo tăng, điện tăng… nhưng chúng tôi vẫn có hàng dự trữ nên không tăng giá và nhà máy Bình Tây cũng là nhà máy bình ổn giá.
* Trong khi nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn lâm vào cảnh phải xót xa cho công nhân nghỉ việc, bà lại gặp may mắn hơn, bà có ý định làm gì?
- Năm nay khủng hoảng kinh tế nên nhiều doanh nghiệp bị dôi dư lao động rất nhiều.
Vì vậy, tôi cũng khuyên những người lao động thất nghiệp tạm thời, nếu phải về quê thì ngoài việc phải tìm những công việc mưu sinh tạm thời để qua cơn khó khăn cũng nên đi học thêm tiếng Anh, kế toán, kỹ năng… để nâng cao bản thân, tránh sự tự ti và buồn chán thất vọng.
Riêng tôi, khi mình may mắn hơn thì tôi phải có trách nhiệm đóng góp với cộng đồng nhiều hơn. Bởi khi các doanh nghiệp khó khăn, họ không lo nổi cho công nhân thì làm sao đóng góp cho công tác xã hội.
* Ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10 sắp tới, bà muốn gửi gắm điều gì trong suy nghĩ của mình?
- Tôi năm nay đã 65 tuổi, độ tuổi đã phải nghỉ ngơi nhưng tôi còn sức khỏe và cảm thấy vẫn phải làm việc. Nhìn rộng hơn, Việt Nam cũng còn nhiều cơ hội để làm nên tôi mong các bạn trẻ làm việc gì cũng phải chỉn chu, phải đam mê, chứ đừng thấy khó là nản. Tôi đang có chương trình 1.000 xe phở để không chỉ quảng bá phở Việt, thức ăn đường phố vừa ngon vừa sạch, mà còn tạo cơ hội cho những người muốn bắt đầu kinh doanh. Tôi sẽ sản xuất ra thật nhiều sản phẩm thực phẩm để cung cấp cho họ với giá tốt nhất, giúp họ có thêm cơ hội lập nghiệp và kiếm sống.
Tôi cũng thường đi xúc tiến thương mại và rất cảm thông với lãnh đạo thành phố, lãnh đạo đất nước, ai cũng đứng ngồi không yên, trăn trở khi nhìn thấy kinh tế khủng hoảng thế giới. Tuy nhiên, trong khó khăn, tôi cũng kiến nghị với lãnh đạo thành phố nên tạo điều kiện cho công nhân có nhà ở, trong đó phải có trường học. Khi có quỹ của Nhà nước cho dân mượn tiền, hoặc nhà cho thuê, một tháng công nhân nộp 1 triệu đồng thôi thì họ mới yên tâm làm việc, gắn bó và tích cực sản xuất. Chỉ cần 1 triệu người có nhà thì 5 triệu người vui rồi. Phía chủ doanh nghiệp cũng được nâng cao sản xuất và giữ được lao động.
* Nghị quyết 98 đang mở ra cơ hội phát triển cho thành phố, bà có thêm giải pháp gì đóng góp cho thành phố?
- Hiện nay, Nghị quyết 98 đã mở ra rất nhiều điều kiện đóng góp doanh thu lớn cho TP.HCM. Ví dụ, thành phố có 53 khu chế xuất và khu công nghiệp góp phần cho sự phát triển thành phố rất lớn. Thành phố có 500.000 công nhân, ít nhất phải có 1 triệu ngôi nhà, trước mắt cũng phải có 200.000 ngôi nhà cho họ hoặc nhà cho thuê dài hạn.
Thành phố rất gần các cảng biển, phải tận dụng phát triển mạnh logistics, phải đầu tư phát triển đường sá thật nhanh bởi hiện nay tình trạng kẹt xe còn nhiều, làm hạn chế vận chuyển, e ngại cho nhà đầu tư. Nếu thành phố làm chậm thì Đồng Nai, Nhơn Trạch sẽ thay thế và thành phố mất cơ hội. Bên cạnh đo, phải xã hội hóa trường học, cơ sở y tế. Nếu thực hiện những dự án này, thành phố sẽ có doanh thu rất nhiều.
* Với bà, làm việc cộng đồng là trách nhiệm xã hội nhưng còn lý do gì nữa không?
- Tôi đã 65 tuổi rồi, đâu phải trẻ nữa. Cả cuộc đời làm nhiều lắm, nhưng chết đi cũng đâu mang được gì. Vì thế, những gì để lại cho cuộc đời, cho xã hội phải là những tài sản giá trị.
Hiện tôi đang nuôi 43 đứa con của công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp TP.HCM mất cha mẹ trong đại dịch Covid-19. Năm nào tôi cũng phải chi mấy trăm triệu cho các cháu, mỗi cháu 5 triệu đồng/năm. Tôi cũng tham gia trong Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị, làm ngoại giao nhân dân, làm công tác xã hội như vừa qua cùng với liên hiệp đi cứu trợ cho người dân Srilanka gặp nạn trên biển…
* Triết lý sống mà bà rút ra ?
- Cuộc sống phải vui, muốn vậy mình phải có tâm thiện lành, đừng làm những điều gì ác, đừng ganh tỵ, ghen ghét ai. Đối với tôi, ai cũng là người tốt. Con người ai cũng phấn đấu, không có ai xấu nhưng vì hoàn cảnh đã biến họ như vậy mà thôi.
* Thế nhưng, bà vẫn gặp sự đố kỵ, tai tiếng?
- Đối mặt với những lời thêu dệt, thị phi, tôi bình tĩnh lắm vì tin rằng tất cả mọi người, bạn bè của mình và tất cả những gì mình đã làm, đã sống, đã cho đi mấy chục năm ai cũng tin mình. Họ nói: “Cô Giàu không làm như thế”. Và nhờ những gì xảy ra mà tôi lại càng biết ơn những người bạn và xã hội, cộng đồng đã ủng hộ mình.
* Bà có thấy số tiền 1.000 tỷ đồng bà yêu cầu bồi thường trong vụ kiện bà Phương Hằng là không thực tế ?
- Mục đích bồi thường của tôi không phải kiện vì đòi bồi thường về tiền, mà là danh dự và sự thật mà tôi yêu cầu phải xác định lại. Tôi lấy con số nghìn tỷ là để ngụ ý nhắn gửi, con người làm việc gì phải nghĩ hậu quả và lời nói của một con người đáng giá ngàn vàng, nên không được phép nói lung tung, chứ tôi không lấy xu nào cả.
* Xin hỏi một câu riêng tư. Tại sao bà không theo chồng sang Mỹ sinh sống?
- Nếu tôi qua Mỹ sống thì quá dễ vì chồng tôi là người nước ngoài, nhưng tôi không làm quốc tịch Mỹ, cũng không muốn đi đâu hết. Tôi yêu thành phố này, nhất là mảnh đất “vùng bưng 6 xã” quận 9, Thủ Đức, nông trường dừa và những hình ảnh của chú Nguyễn Vĩnh Nghiệp, chú Năm Xê, chú Tư Sang…. Đó là tất cả ký ức mà tôi đã sống, làm việc tại thành phố này. Tôi yêu thành phố nên làm gì được cho thành phố là tôi làm hết. Chẳng hạn, khi thành phố bị dịch Covid-19, tôi là người đầu tiên ủng hộ túi thuốc nghĩa tình…
Nhớ ngày nhỏ nhà tôi nghèo lắm và tuổi thơ đã chứng kiến cảnh chiến tranh, bom đạn, chứng kiến nhiều cán bộ cách mạng gan dạ kiên cường. Bản thân gia đình tôi cũng là căn cứ nuôi cách mạng nên năm 10 tuổi, tôi đã đi bơi xuồng làm liên lạc, rồi vô cách mạng và tham gia đội quân du kích nhỏ của lực lượng vũ trang TP.HCM, lúc đó đội quân này kết hợp bộ đội địa phương và ngày 29/4 đã có mặt tại Dinh Độc Lập để chờ sáng 30/4 đón mừng giải phóng thành phố. Là một trong những người đầu tiên được chứng kiến quân giải phóng đạp tung cánh cồng Dinh Độc Lập lúc đó, trong lòng tôi tự hào, phấn khởi lắm.
Từ Doanh nhân Sài Gòn
Viết bình luận